Nghề lặn biển của phụ nữ đảo Jeju được công nhận là Di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu
Tại cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) diễn ra vào ngày 8-10/11 (giờ Ý) vừa qua, hệ thống nghề lặn biển của Haenyeo (Hải nữ, nữ thợ lặn) ở đảo Jeju đã được đưa vào danh sách Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS).
Hệ thống nghề lặn biển của Haenyeo ở đảo Jeju là một phần trong ngành ngư nghiệp, trong đó các phụ nữ lặn biển ở độ sâu 10m mà không có bất kỳ thiết bị thở dưới nước để đánh bắt các loại hải sản như bào ngư, ốc biển hay rong biển.
Nó được chỉ định là Di sản ngư nghiệp quan trọng quốc gia số 1 vào năm 2015 và cũng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016. Đến năm 2017, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc (CHA) đưa hệ thống này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.
Liên quan đến quyết định mới nhất, FAO cho biết hệ thống nghề lặn biển của Haenyeo ở đảo Jeju là một “nghề kiếm kế sinh nhai bằng đánh bắt ngư nghiệp truyền thống” và “văn hóa của cộng đồng lấy phụ nữ làm trung tâm”.
Theo đó, Hàn Quốc trở thành quốc gia có 7 di sản có tên trong dánh sách GIAHS bao gồm cả các di sản khác như: hệ thống nông nghiệp sử dụng hàng ráo đá ở đảo Jeju (năm 2014); hệ thống nông nghiệp sử dụng ruộng bậc thang ở đảo Cheongsan (năm 2014); hệ thống nông nghiệp chè truyền thống ở huyện Hadong (năm 2017); hệ thống nông nghiệp nhân sâm truyền thống ở huyện Geumsan (năm 2018); hệ thống nông nghiệp ruộng tre ở huyện Damyang (năm 2020); hệ thống đánh bắt hến ở sông Seomjin thuộc huyện Hadong và Gwangywang (năm 2023).
Tại Đại hội đồng lần này, cùng với hệ thống nghề lặn biển của Haenyeo ở đảo Jeju, FAO cũng nêu tên của 7 hệ thống từ 4 quốc gia (Andorra, Áo, Trung Quốc, Iran) để đưa chúng vào danh sách GIAHS.
Được FAO khởi xướng vào năm 2002, GIAHS nhằm mục đích bảo tồn và kế thừa các hoạt động nông nghiệp truyền thống, cảnh quan, đa dạng sinh học và hệ thống sử dụng vùng đất trên khắp thế giới.
[email protected]
Bình luận